Thứ Năm, 10 tháng 12, 2015

NGU MUỘI VÀ KHÔN NGOAN

NGU MUỘI VÀ KHÔN NGOAN

“Kẻ ngu muội tỏ ra sự nóng giận của mình nhưng người khôn ngoan khỏa lấp nó và cầm giữ nó lại.”- Châm Ngôn





Ngu muội và khôn ngoan là hai phạm trù trái ngược và thường mang lại hậu quả trái ngược cho người nắm giữ nó. Ngu muội thường chỉ về những người ít kinh nghiệm sống, ít được học hành, ít tiếp xúc với xã hội,… từ điển giải thích rằng đó là “những người ngu dốt, tối tăm, không hiểu biết gì” và thường mang họa vào thân.
Còn khôn ngoan, thì ngược lại, là người khéo léo trong cách xử sự, nói năng, giao tiếp,… để tránh cho mình những điều không hay. Ai chẳng muốn được trở thành người khôn ngoan, nhưng trên đời này mấy ai sinh ra đã trở nên người khôn ngoan? Bởi sự khôn ngoan phải là quá trình tích lũy, đúc kết qua những trải nghiệm cuộc sống. Một trong những tính cách mà người ta cho rằng có thể đo đếm được sự khôn ngoan đó là sự tiết chế cơn giận dữ. 
Việt Nam chúng ta có câu thành ngữ: “cả giận mất khôn”. Đúng là như vậy, khi chúng ta giận dữ, nóng nảy, bực tức thái quá thì sẽ mất tỉnh táo, rất dễ mắc sai lầm. Có thể chỉ vì một câu nói, một hành động, một cử chỉ vào lúc giận dữ có thể mang đến hậu quả khôn lường.
Trong xã hội ngày hôm nay, chúng ta nghe thấy, xem thấy hàng ngày những vụ ẩu đả, giết người xuất phát chỉ từ những lý do rất vu vơ, vớ vẩn: chỉ một cái nhìn, một lời nhận xét, hoặc chỉ vì một sự đụng chạm nhỏ trên đường phố đã khiến cho người ta giận dữ và lao vào những xung đột không đáng có. Chỉ khi đã xảy ra rồi thì những người trong cuộc mới thấy xót xa và hối tiếc là tại sao lúc đó họ lại điên rồ đến như vậy. 
Câu chuyện về Thành Cát Tư Hãn dưới đây cho chúng ta một bài học đắt giá về sự tự cao và nóng giận:  
Một buổi sáng nọ, Thành Cát Tư Hãn - vị vua nổi tiếng của Mông Cổ - và các thuộc hạ của ông cùng đi săn. Những người cùng đi với ông mang theo cung tên, nhưng Thành Cát Tư Hãn mang theo trên cánh tay của ông con chim ưng mà ông yêu thích:  nó sẽ bắt mồi nhanh hơn và chính xác hơn bất cứ mũi tên nào, bởi vì nó có thể bay vút lên trời cao và nhìn thấy mọi vật mà con người không thể thấy. 
Tuy nhiên, mặc cho mọi cố gắng nhiệt tình đoàn đi săn vẫn không hề tìm thấy gì cả. Thất vọng, Thành Cát Tư Hãn quay lại chỗ cắm trại, và để khỏi cáu kỉnh với đám thuộc hạ, ông rời nhóm cỡi ngựa đi một mình. Họ đã ở lại trong rừng lâu hơn dự tính, và Thành Cát Tư Hãn cảm thấy vô cùng mệt mỏi và khát nước. Dưới sức nóng của mùa hè, mọi dòng suối đều khô cạn, ông không tìm được nước để uống.
Thế rồi, hết sức ngạc nhiên, ông nhìn thấy một dòng nước nhỏ chảy ra từ một tảng đá ngay trước mặt ông. Ông nhấc con chim ưng ra khỏi cánh tay, lấy ra chiếc cốc bằng bạc mà lúc nào ông cũng mang theo bên mình. Thật lâu nước mới chảy đầy cốc, và ngay lúc ông đưa chiếc cốc nước ấy lên môi mình, con chim ưng bay lên gạt chiếc cốc rớt xuống đất. 
Thành Cát Tư Hãn giận lắm, nhưng vì con chim ưng rất được ông yêu thích, nên ông cho rằng có lẽ nó cũng khát nước, ông cúi xuống nhặt chiếc cốc lên lau sạch bụi đất, và lại hứng nước vào cốc. Lần này, khi nước chỉ mới được nửa cốc, con chim ưng lại lao đến tấn công làm đổ cốc nước lần nữa. 
Thành Cát Tư Hãn rất quý con chim, nhưng ông không thể chấp nhận sự vô lễ như thế trong bất cứ hoàn cảnh nào; không chừng có ai đó nhìn thấy cảnh này từ xa và sau đó sẽ kể lại cho các chiến binh của ông rằng nhà chinh phục vĩ đại lại không thể thuần hóa nổi một con chim. 
Lần này ông rút kiếm ra khỏi vỏ, nhặt chiếc cốc và lại hứng nước, một mắt canh chừng dòng nước chảy, còn mắt kia để ý đến con chim ưng. Ngay lúc ông có đủ nước trong cốc và sắp uống, thì con chim ưng lại bay lên và lao về phía ông. Thành Cát Tư Hãn, với một nhát kiếm, đâm thủng qua lồng ngực con chim. 
Tuy nhiên, dòng nước kia cũng đã khô cạn, và Thành Cát Tư Hãn quyết định tìm một cái gì đó để uống, ông leo lên tảng đá để tìm nguồn suối, và ông kinh ngạc khi nhìn thấy có một vũng nước, và ngay giữa vũng nước đó là xác của một con rắn độc nguy hiểm nhất của miền đất này. Nếu ông lỡ uống nước đó chắc hẳn ông đã chết rồi. 
Thành Cát Tư Hãn quay lại chỗ cắm trại, ôm theo xác con chim ưng. Sau đó, ông ra lệnh làm một bức tượng chim bằng vàng, và trên một cánh chim ông khắc dòng chữ: 
“Thậm chí khi một người bạn làm một điều gì đó anh không thích, người đó vẫn cứ là bạn của anh.” 
Và trên cánh bên kia, ông khắc dòng chữ: “Bất cứ hành động nào thực hiện trong sự giận dữ đều là hành động đưa đến sự thất bại.” 
Chúng ta học được gì qua câu chuyện này? Giá như ông vua kia không quá kiêu ngạo, không quá tự tôn, không quá nóng nảy,… thì chắc ông không
phải hối tiếc đến như vậy. 
Tâm trạng giận dữ mang lại hậu quả xấu trong mọi tình huống, kể cả khi chúng ta đánh golf. Mỗi chúng ta có thể cảm nhận rõ điều đó khi ra sân golf. Một cú putt với tâm trí giận dữ, không tập trung chắc chắn sẽ không thể đưa bóng vào lỗ được. Nét mặt cau có, tâm trạng khó chịu khiến cho những người bạn chơi cùng cũng khó lòng muốn bàn thảo một ý định hợp tác kinh doanh. Vậy sự khôn ngoan chính là biết kiềm giữ cơn giận, biết nhẫn nhịn và tha thứ. 
Đó chẳng phải là cách xử sự tốt nhất trong mọi hoàn cảnh chúng ta phải đối diện hay sao? 


Lạy Chúa Giêsu mến yêu, năm xưa Chúa đã đau buồn trước sự cứng lòng của dân Do Thái. Xin giúp chúng con ngày hôm nay biết đón nhận sự thật, biết hướng về điều thiện và sống theo lẽ phải, dù rằng để sống theo chân lý ấy, đòi hỏi chúng con phải thay đổi lối nghĩ, lối sống cho phù hợp với Tin Mừng. 
Thứ Sáu tuần II Mùa Vọng
Lời Chúa: 
 Mt 11,16-19
16 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Ta sẽ so sánh thế hệ này với ai? Họ giống như bọn trẻ ngồi nơi phố chợ, gọi lũ trẻ khác 17 mà rằng: "Chúng tôi thổi sáo, sao các bạn không múa nhảy; chúng tôi than vãn, sao các bạn không khóc lên!" 18 "Vì Gioan đến, không ăn không uống, thì họ nói: "Ông ta phải quỷ ám!" 19 Con Người đến, ăn uống giống như thường, thì họ nói: "Ðó là người mê ăn mê uống, là bạn của quân thu thuế và những kẻ tội lỗi". Nhưng sự khôn ngoan được biện minh bằng các công việc của mình".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét